Đền Bà Chúa điểm đến du lịch tâm linh

Đền Bà Chúa điểm đến du lịch tâm linh, tọa lạc dưới chân núi Bài Thơ đường Trần Quốc Nghiễn, khu 1 phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân, UBND phường Bạch Đằng (TP. Hạ Long) đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo Đền Bà Chúa – một công trình tín ngưỡng quan trọng trên địa bàn.

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian bản địa, thuần Việt, có lịch sử lâu đời, gắn liền với sản xuất nông nghiệp lúa nước Việt Nam và có sự biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu là nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho con người sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Đồng thời, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng vọng tôn vinh thờ phụng các vị Nữ thần của nhân dân như Nhiên thần, Thiên thần, Nhân thần, Thánh Mẫu, Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Bà chúa linh thiêng…

                                            Hình ảnh miếu Bà Chúa trước khi chưa tôn tạo

Miếu bà Chúa chính xác được xây dựng từ năm bao nhiêu, thời kỳ nào thì đến nay không ai còn nhớ rõ. Theo các bậc cao niên trong khu phố kể lại, thì vào cuối thế kỉ XIX đã tồn tại ngôi miếu này. Với mong muốn các vị Thần sẽ che chở cho cuộc sống dân làng, ban cho mọi người sức khỏe, bình an, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió, tránh được tai ương nên người dân trong khu vực đã cùng nhau dựng lên ngôi miếu nhỏ thờ Bà Chúa.

Lúc hình thành, miếu Bà Chúa chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm ở khu vực chân núi Bài Thơ, cạnh lạch nước nhỏ dẫn sâu vào trong đất liền, nơi thuyền bè qua lại nhộn nhịp, có diện tích khoảng 2m2, không có mái che, bát hương được đặt vào các gườm đá. Sau này, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhân dân khu vực xóm Lò Vôi, phường Bạch Đằng đã dựng nên ngôi miếu nhỏ trên nền đất trống phía trước gườm đá, do được xây dựng tại nơi đất bồi tại cửa hang sát biển nên diện tích miếu rất nhỏ. Đến năm 2018, khi xây dựng cầu Bài Thơ 1, thành phố Hạ Long đã san lấp toàn bộ khu vực trước mặt miếu Bà Chúa, do vậy mới có diện tích phục vụ tu bổ tôn tạo lại miếu Bà Chúa như hiện trạng ngày nay: gồm miếu có kiến trúc chữ Nhất, với diện tích khoảng 15m2, được xây bằng gạch, mái lợp tấm prô xi măng, bên phải miếu là nhà bếp và nơi sắp lễ, phía trước là khoảng sân gạch được lợp tôn.

                                                       Hình ảnh bên trong Đền sau khi được tôn tạo

Ban đầu khởi dựng đền Bà Chúa chỉ thờ thần chủ là Bà chúa Năm Phương. Sau này cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng của nhân dân cũng có sự biến đổi, các nhân vật được thờ ở Đền cũng có thay đổi rõ rệt. Ngoài chủ thần là bà chúa Năm Phương, bà con địa phương còn phối thờ theo tín ngưỡng thờ Tứ Phủ của người Việt là thờ Phật, thờ Mẫu, thờ Trần Triều... Các nhân vật được thờ ở đền có những đặc điểm tương đồng về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của cộng đồng dân cư tại địa phương. Qua nhiều năm, đền Bà Chúa là một trong những nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương, là nơi hương đăng cầu cúng, đi trình về báo, tháng đôi tuần trọng vọng tuy nhiên lại chưa được đầu tư tu bổ tôn tạo một cách quy mô, bài bản, chưa xứng đáng với giá trị lịch sử văn hóa của Đền. 

                                     

Quang cảnh ĐỀN BÀ CHÚA (sau khi đã được tu bổ)

                                     Quang cảnh Đền Bà Chúa sau khi đã được tu bổ tôn tạo

Quang cảnh Đền Bà Chúa nhìn từ trên cao

Nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phục vụ nhu cầu tâm linh của Nhân dân; đầu năm 2024, UBND thành phố Hạ Long đã có chủ trương và giao cho UBND phường Bạch Đằng, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa chùa Long Tiên tiến hành rà soát, lập hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai quy hoạch, tu bổ, tôn tạo đền Bà Chúa với các hạng mục: cải tạo, nâng cấp Đền chính, Nghi môn (Tứ trụ), Bình phong, nhà Tả hữu vu, Am hóa vàng, bãi đỗ xe, khu vệ sinh và vườn cây xanh.

Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai thi công đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật, ngày 19/01/2025 đền Bà Chúa được chính thức khánh thành gồm các công trình:

- Đền chính được xây dựng đúng vị trí với Đền cũ, nằm trên cấp sân khoảng cốt +4,45m. Công trình có mặt bằng chữ Nhất gồm 5 gian với 4 hàng chân cột. Tiền đường ở gian giữa dâng mái thành thiêu hương hình thức 2 tầng, 4 mái có dâng đao. Hậu cung phía sau dựa vào vách núi đá có hang động tự nhiên có sẵn, diện tích khoảng 120m2. Hệ cửa đi thượng song hạ bản, cửa sổ chữ thọ. Bộ khung kết cấu hệ cột, hệ xà, hệ vì mái bằng gỗ lim, hình thức đục chạm hoa văn mang phong cách truyền thống. Tứ trụ vị trí nằm trên trục chính tâm của ngôi Đền Chúa. Tứ trụ bằng đá, hình thức theo cột trụ biểu truyền thống. Hai trụ lớn ở giữa đỉnh trụ gắn tứ phượng, hai trụ nhỏ đỉnh trụ gắn nghê chầu. Bình phong vị trí nằm trên trục chính tâm của ngôi Đền. Bình phong bằng đá, hình thức theo trang trí truyền thống có ý nghĩa về phong thủy.

- Nhà tả vu, hữu vu được xây dựng trên sân của đền, nằm đối xứng phía trước qua trục chính tâm của Đền chính. Công trình có mặt bằng chữ nhất, diện tích khoảng 37,5m2 một nhà. Bộ khung kết cấu hệ cột, hệ xà, hệ vì mái bằng gỗ lim, hình thức kiểu chồng rường giá chiêng, đục chạm hoa văn.

- Ngoài ra, còn đầu tư khu vực hạ tầng kỹ thuật gồm: Sân tổ chức lễ hội, hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe đảm bảo hiệu quả, tránh xung đột, ùn tắc khi đón lượng lớn người và xe đến thăm Đền, nhất là trong các dịp lễ hội. Bố trí bãi đỗ xe tại khu đất bên phải đền Chúa diện tích khoảng 700m2. Nhà vệ sinh nằm vị trí bên trong bãi xe diện tích khoảng 50m2. Hệ thống tường rào bằng cây xanh, bo bồn cây, bậc cấp lên kết nối giữa các hạng mục.

 Đền Bà Chúa sau khi được tu bổ đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh và tham quan chiêm bái của Nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương. Trong thời gian tới, đền Bà Chúa cùng với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa như đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn - Núi Bài Thơ - chùa Long Tiên sẽ tạo thành tuyến tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Từ đó tăng cường phát huy vai trò của cộng đồng, nhân dân với bảo tồn di sản, vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong phát triển du lịch. Góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững                                                                                                                                              

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH PHƯỜNG BẠCH ĐẰNG

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 307