Định hướng chiến lược phát triển giai đoạn mới
Đến thời điểm này, hầu hết các chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển mới với những bước đi vững chắc.
2 tàu biển Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) và Noordam (quốc tịch Hà Lan) đưa hơn 4.700 du khách đến Hạ Long (ngày 12/11/2024).
Vị thế vùng kinh tế trọng điểm
Quảng Ninh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh có những thuận lợi từ nền tảng đổi mới, phát triển của các nhiệm kỳ trước đan xen với nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện, phức tạp, nặng nề hơn so với dự báo, nhất là trong bối cảnh vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải nghiêm túc khắc phục những khuyết điểm qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát.
Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đẩy lùi đại dịch Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, hoàn toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân, vừa giữ vững ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng tưởng xanh, bao trùm; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với bối cảnh mới, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đầu tư công và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng.
Cầu Bình Minh nối 2 bờ Cửa Lục (TP Hạ Long) vừa được đầu tư, hoàn thành đầu năm 2024.
Trong phát triển kinh tế, tỉnh tập trung đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khả thi, mang lại hiệu quả rõ rệt, toàn diện trên các lĩnh vực để quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm “lấy phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng”.
Tỉnh tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tập trung dồn lực cho phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng lớn; tận dụng, phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên phong phú để nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế và đời sống nhân dân, góp phần cấu thành nên 6 giá trị tiêu biểu của Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc”.
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ TT-10-11/Vỉa 10, khu Trung tâm (Công ty Than Dương Huy) đưa vào hoạt động tháng 10/2024.
Với những định hướng, giải pháp được triển khai, đến thời điểm này, 16/19 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 10,47%, cao hơn tốc độ tăng bình quân hằng năm theo nghị quyết (năm 2021 tăng 10,12%; năm 2022 tăng 10,26%; năm 2023 tăng 11,03% và dự kiến hết năm 2024 tăng trên 10%); tổng sản phẩm bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước (năm 2021 đạt 7.337 USD; năm 2022 đạt 8.291 USD; năm 2023 đạt 9.615 USD); cơ cấu kinh tế phát triển theo đúng định hướng, đến hết năm 2023 ở khu vực nông - lâm - ngư nghiệp đạt 4,7%, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 51,9%, khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm đạt 43,4%.
Cùng với đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 14,2%/năm; thu NSNN giai đoạn 2021-2023 đạt 163.118 tỷ đồng, bằng 114% dự toán Trung ương giao, bằng 104% dự toán tỉnh giao, đạt 55% so với kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025, bình quân tăng 5%/năm.
Hoạt động XNK qua Lối mở Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái).
Giai đoạn 2021-2023 tỉnh giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). 98/98 xã đạt chuẩn NTM, vượt 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM, vượt 1 năm so với mục tiêu nghị quyết đặt ra.
Những kết quả đạt được cho đến thời điểm này, Quảng Ninh có 11 năm liên tiếp (2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Rõ mục tiêu cho giai đoạn mới
Thành tựu đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cho đến thời điểm này tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh xây dựng chiến lược phát triển mới trong nhiệm kỳ 2025-2030. Hiện nay, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổ biên tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030 đang phát huy trí tuệ của từng thành viên, nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện dự thảo chi tiết báo cáo chính trị, trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Sản xuất sản phẩm dệt may thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại huyện Hải Hà.
Một trong những nội dung quan trọng được Tổ biên tập đề cập, đó là xác định quan điểm, định hướng phát triển Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn định hướng phát triển đến năm 2045. Theo đó, định hướng phát triển của Quảng Ninh trong nhiệm kỳ mới bám sát theo tinh thần Quyết định số 80-QĐ/TTg (ngày 11/2/2023) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; nội dung chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây, nhất là tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 2 con số.
Để đạt mục tiêu phát triển này, các cấp, các ngành của tỉnh cần sớm đánh giá, nhìn nhận, tổng kết các nghị quyết chuyên đề, các chương trình trọng tâm triển khai nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, làm cơ sở, căn cứ để xây dựng, định hướng cho tỉnh hướng đi phù hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, hiệu quả các nguồn lực; đồng thời xác định được các khâu đột phá, một số đề án, chương trình trọng điểm thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Thu hoạch tôm nuôi công nghiệp tại HTX Nuôi tôm công nghệ cao TP Cẩm Phả.
Nhiệm kỳ qua, Quảng Ninh đã thực hiện thành công các khâu đột phá chiến lược được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Điều này cần phải tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ tới, với những khâu đột phá cần được lưu ý để triển khai, như: Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; chú trọng thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích bảo vệ, tôn vinh những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, phát triển và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân và đất nước; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế biển, kinh tế số; phát triển nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa.
Đi đôi với khâu đột phá được xác định, các cấp, các ngành cùng Tổ biên tập văn kiện cũng cần nêu nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai. Trong đó, lưu ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với dịch vụ, nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hoạt động logistics tại khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả).
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trong buổi làm việc với Tổ biên tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, cho rằng: Trong nhiệm kỳ tới, Quảng Ninh phải bám sát định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để nghiên cứu, tìm ra hướng đi mang tính đột phá theo đặc thù riêng của địa phương trong việc triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các định hướng lớn đã được xác định. Trong đó, lưu ý đến việc phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống cảng biển, hoàn thiện hệ thống tuyến đường sắt kết nối nội địa và quốc tế, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Từ những kết quả đạt được trong quá trình đổi mới cùng đất nước và những dự định đang được xây dựng, Quảng Ninh đang hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương tiêu biểu, giàu mạnh, văn minh, hiện đại, hạnh phúc của cả nước, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, tạo tiền đề vững chắc đến năm 2045, trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy kinh tế quốc gia.