Tạo việc làm ổn định cho người lao động

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh và đáp ứng nhu cầu thị trường tuyển dụng lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Người lao động làm việc tại Công ty CP Sàn ANZ (CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ).

Tại huyện Ba Chẽ, công tác đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng với tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, đóng góp mạnh mẽ vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Hằng năm, UBND huyện Ba Chẽ ban hành các kế hoạch và mở lớp hỗ trợ, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng cho người dân trong huyện. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện đã phối hợp tổ chức mở 6 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 120 lao động tại các xã: Đồn Đạc, Lương Mông, Thanh Lâm, Nam Sơn, Đạp Thanh.

Công tác giải quyết việc làm cho lao động tại Ba Chẽ cũng được chú trọng gắn với việc đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 01-CT/HU (ngày 1/9/2020) của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Chẽ, để đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Tuyển sinh Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức 16 hội nghị, nhóm nhỏ về việc tư vấn tuyển sinh, đào tạo thợ lò, đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty May mặc Hoa Lợi Đạt, Texhong Hải Hà… Đồng thời, tăng cường triển khai kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp giữa Huyện ủy Ba Chẽ với Đảng ủy Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2024-2028. Từ đầu năm đến tháng 10/2024, toàn huyện giải quyết việc làm tăng thêm cho 858 người, đạt 95,3% kế hoạch huyện giao.

Tại huyện Vân Đồn, công tác đào tạo nghề cũng luôn được quan tâm nên ngày càng tạo nhiều việc làm cho người dân. Hằng năm, huyện mở các lớp đào tạo nghề; phối hợp triển khai thông tin tuyển dụng lao động và giới thiệu doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện; nắm bắt tình hình lao động, việc làm, đôn đốc các xã, thị trấn triển khai thu thập và cập nhật thông tin người lao động lên hệ thống dữ liệu quốc gia về người lao động trên địa bàn huyện; tiếp tục hỗ trợ học phí học nghề cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp THCS, THPT học hệ chính quy trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục thuộc tỉnh Quảng Ninh trong danh mục nghề khuyến khích đào tạo của huyện… 9 tháng năm 2024, toàn huyện đào tạo và giải quyết việc làm cho 1.764/2.305 lượt lao động, đạt 76.53% so với kế hoạch năm, đạt 102,56% so với kịch bản tăng trưởng kinh tế, đạt 117,84% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lao động có việc làm tăng thêm 782 người, đạt 78,2% kế hoạch năm giao, đạt 104,27% so với kịch bản tăng trưởng kinh tế, đạt 105,6% so với cùng kỳ 2023; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 86,8%, tăng 0,47% so với kế hoạch năm.


Học viên tham gia học và đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh.

Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu tạo 30.000 việc làm tăng thêm cho người lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch. Các cấp, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 23.500 lượt lao động, đạt 78,3% kế hoạch năm 2024; tăng 1.800 lượt người so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 680 người, đạt 113,3% kế hoạch năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Để đáp ứng nhu cầu việc làm, Trung tâm tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở trung tâm, các phiên giao dịch lưu động tại cấp xã, phường, qua đó cũng nắm bắt được nhu cầu lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu dịch chuyển ngành nghề và các nhu cầu việc làm mới; tích cực phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các địa phương tuyên truyền, vận động, rà soát nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động để kịp thời hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt nhu cầu, số lượng vị trí việc làm cần tuyển dụng, từ đó kết nối với các địa phương trong toàn quốc, đáp ứng lực lượng lao động cho doanh nghiệp.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3271