Triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược
Với Quảng Ninh, năm 2024 có lẽ là năm đặc biệt khó khăn khi thách thức về bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu biến động mạnh, đặc biệt cơn bão số 3 tàn phá nặng nề các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và những bài học tích lũy, hiệu quả thấy rõ từ ba đột phá chiến lược, tỉnh đã linh hoạt, bám sát thực tiễn để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá này.
Cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh - Hải Phòng được đưa vào khai thác từ tháng 7/2024.
Có thể nói, trong chặng đường phát triển của Quảng Ninh những năm gần đây, hầu hết các kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KT-XH đều gắn với việc đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược theo tinh thần xuyên suốt từ Đại hội XI của Đảng cho đến nay. Việc vận dụng, triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược đã giúp Quảng Ninh có sự phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn, đem lại nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Trên tinh thần đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 cũng vẫn xác định việc thực hiện ba đột phá chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu với những mục tiêu cụ thể như: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; tạo chuyển biến mới trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng và tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Với tư duy kiến tạo, đồng thuận và kế thừa, nhận định rõ những cơ hội để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đánh thức những tiềm năng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bao trùm, toàn diện, tỉnh đã triển khai thành công, hiệu quả các mục tiêu đề ra. Trong đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại bằng việc tập trung khắc phục khó khăn, khắc phục hậu quả mưa bão, chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ.
Dự án Nhà ở xã hội Đồi Ngân hàng, TP Hạ Long đang khẩn trương hoàn thành, sẽ bàn giao nhà vào đầu năm 2025.
Trong năm, tỉnh đã phối hợp cùng TP Hải Phòng hoàn thành và đưa vào sử dụng đường nối cầu Bến Rừng kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng; hoàn thành thi công tỉnh lộ 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ - Lạng Sơn; hoàn thành thi công đường nối Sơn Dương - Đồng Lâm; đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn; đầu tư mới, nâng cấp các trường học; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ các dự án Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, đường ven sông, cầu Lại Xuân. Hạ tầng KCN, KKT tiếp tục được đầu tư xây dựng đồng bộ...
Trong giai đoạn cuối năm, tỉnh đang phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác nút giao Đầm Nhà Mạc, cầu Lại Xuân, hỗ trợ nhà đầu tư đưa vào vận hành dự án sân Golf Đông Triều theo đúng tiến độ. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án Giao thông nông thôn tỉnh giai đoạn 2024-2030, Đề án nâng cấp đô thị Quảng Yên… Đây là các dự án quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, có tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện đời sống, sức khỏe, học tập của người dân.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng được đẩy mạnh. Mục tiêu đó là đi sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu các chỉ số; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, lược bỏ các thành phần hồ sơ đã có trong cơ sở dữ liệu số. Quảng Ninh đang quyết liệt xây dựng, hình thành được nguồn dữ liệu số mở, “đúng, đủ, sạch, sống” và được kết nối liên thông, đồng bộ, chia sẻ trong hệ thống chính trị, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
Trường THPT Trần Phú (TP Móng Cái) được đầu tư cải tạo, nâng cấp khang trang.
Đối với các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, có thể thấy rõ nhất sau bão số 3, trong bối cảnh đầy khó khăn, nhưng với bản lĩnh kiên cường, quyết đoán, sẵn sàng đương đầu với thử thách, ngay sau bão, cả hệ thống chính trị tỉnh đã đồng lòng cùng vào cuộc tập trung khắc phục hậu quả, tái khởi động lại sản xuất, kinh doanh. Chỉ sau 5 ngày khi bão tan, toàn bộ ngành than đã có điện lưới để phục hồi 100% diện khai thác; 80% các nhà máy tại các KCN đã có điện để phục vụ sản xuất cho những lô sản phẩm xuất khẩu đợt cuối năm. Cũng trong đà phục hồi nhanh chóng này, các động lực kinh tế của tỉnh như du lịch, hoạt động biên mậu, kinh tế biển cùng các chuỗi cung ứng đã sớm bắt nhịp, đem lại cho doanh nghiệp sự ổn định mới.
Công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được quan tâm. Trong năm, tỉnh đã dành ưu tiên đặc biệt để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia; hoàn thiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nhà ở CNLĐ ngành than, KCN…
Sự chuyển động mạnh mẽ, đi vào chiều sâu của cả ba khâu đột phá chiến lược ở năm 2024 đã giúp tỉnh vượt qua được những khó khăn, thách thức, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất, phát triển sau bão và tiến tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của cả năm.