"Vừa bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn, vừa phát huy bền vững tiềm năng, thế mạnh của Di sản Vịnh Hạ Long"

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (VHL) luôn được xác định là động lực phát triển du lịch của TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của VHL luôn được đặt lên hàng đầu. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý VHL (ảnh) về nội dung này.

- Ông cho biết, sau gần 30 năm được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, VHL đã được bảo vệ như thế nào?

+ Nhắc đến VHL là nhắc đến tài sản vô giá của nhân loại. VHL không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp diễm lệ, hoành tráng của biển đảo, mà còn là một bảo tàng địa chất khổng lồ, nơi ngưng đọng những dấu tích quan trọng của quá trình hình thành, vận động, phát triển của địa hình vỏ trái đất khu vực này. Các năm 1994, 2000 VHL được UNESCO công nhận là Di sản tự nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất địa mạo, là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại và kỳ diệu của thiên nhiên.

Với những ý nghĩa đó, các cơ chế vận hành, quản lý và khai thác VHL ngày càng được hoàn thiện, cập nhật để phù hợp với thực tế theo hướng bảo vệ và bảo tồn bằng những quy hoạch, quy chế, chỉ đạo cụ thể tại từng giai đoạn khác nhau. Cụ thể, các giá trị của Di sản được tập trung điều tra, nghiên cứu và làm rõ, là cơ sở để đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ nhằm ngăn chặn các nguy cơ xâm hại đến Di sản; triển khai dự án thành lập khu bảo tồn nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học; khoanh vùng rừng trên núi đá vôi và rừng ngập mặn để công nhận là khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm; di chuyển 354 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu ở 7 làng chài lên sinh sống tại khu tái định cư vào năm 2014 với mục tiêu ổn định cuộc sống cho ngư dân và giảm áp lực về môi trường trên VHL; thay thế phao xốp tại các công trình nổi trên Vịnh bằng các vật liệu nổi bền vững; áp đặt quy chuẩn đối với nước thải, rác thải tại các tàu du lịch, các điểm tham quan, các khu dân cư ven bờ vịnh…

Cùng với đó, các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh được quản lý chặt chẽ, ngày càng đi vào nền nếp, các tàu du lịch hoạt động trên VHL được quản lý theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các điểm tham quan, điểm lưu trú nghỉ đêm được chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch và các quy định liên quan nhằm đảm bảo an toàn, mỹ quan.

Sau gần 30 năm VHL được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, chưa bao giờ VHL sạch và đẹp như hiện nay.

- Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của VHL trong cơ cấu nền kinh tế xanh Quảng Ninh?

+ Từ năm 2013 Quảng Ninh xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh. Từ giai đoạn đó đến nay, tỉnh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương, phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch.

Trong đó, với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, VHL luôn được xác định là chủ thể quan trọng trong định hướng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị riêng có.

Điều này có thể thấy rõ tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040... đều gắn kết bảo tồn và phát triển bền vững VHL là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng dài hạn, có vai trò quan trọng bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh của tỉnh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị Di sản.


Vịnh Hạ Long.

- Để tiếp tục phát huy giá trị Di sản, cần tập trung những nội dung gì, thưa ông?

+ Trên cơ sở quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế xanh của tỉnh Quảng Ninh, để vừa bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn của Di sản thiên nhiên thế giới VHL theo Công ước Di sản thế giới, các chính sách về phát triển bền vững của UNESCO và pháp luật của Việt Nam, vừa phát huy bền vững tiềm năng, thế mạnh của Di sản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, theo tôi thời gian tới cần tập trung nâng cao hiệu quả quản trị thông qua việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế quản lý Di sản, hoàn thành và triển khai các quy hoạch, quy chế, kế hoạch phát triển bền vững du lịch VHL.

Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên và các giá trị của Di sản, triển khai các nhiệm vụ giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn, quản lý hiệu quả rừng đặc dụng, giảm thiểu rác thải, nước thải; tăng cường vai trò, sự tham gia của người dân địa phương, cộng đồng và các bên liên quan gắn kết với tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ Di sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, thay đổi hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường, hướng đến lối sống xanh; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 715