Giới Thiệu

1. Vị trí địa lý của phường

        Phường Bạch Đằng là một trong các phường thuộc nội thị Thành phố Hạ Long, phía Đông giáp phường Hồng Hải, phía Tây giáp phường Hồng Gai phía Bắc giáp phường Trần Hưng Đạo và phường Yết Kiêu, phía Nam giáp Vịnh Hạ Long.

        Phường có diện tích tự nhiên là 1,68 km2. Phía Đông Nam có núi đá vôi xưa có tên là núi Truyền Đăng (nay là núi Bài Thơ) cao 201m, phía biển Vịnh Hạ Long là những hòn đảo nhấp nhô tạo thành vành đai tránh gió. Sát chân núi Bài Thơ là biển sâu rất thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu. Phía Bắc là dãy đồi đất, trong lòng đất là than đá chưa khai thác, dưới chân dãy núi xưa và là bãi chứa than, nay là nơi đất ở của dân cư, đường 18A cũ chia phường ra thành hai vùng rõ rệt là vùng đồi núi và vùng đất bằng này trở thành khu dân cư đô thị. Những năm đầu thế kỷ thứ XXI, phường Bạch Đằng tiếp tục được lấn biển mở rộng có đường bao biển vòng quanh với trung tâm công viên vui chơi giải trí, du lịch lớn nhất khu vực nội thị Hòn Gai.

Địa bàn phường là đầu mối giao thông quan trọng đường quốc lộ 18A, đường 25/4, đường bao biển Bài Thơ nên hàng ngày có hàng ngàn lượt khách du lịch cùng phương tiện qua lại và làm việc. Đảng bộ phường có 547 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ trực thuộc, số đảng viên thực hiện Quy định 213 có 477 đồng chí; hệ thống chính trị cơ sở phường luôn được củng cố, kiện toàn hoạt động đúng hướng, hiệu quả. Hiện nay, cơ quan phường có 21 cán bộ, công chức.

Khí hậu phường Bạch Đằng năm trong đới khí hậu nhiệt đới gió mùa ven biển. Nhiệt độ trung bình năm là 24,80C, nhiệt độ trung bình mùa hè là 28,80C, ngày nóng nhất là 35,70C, nhiệt độ trung bình mùa đông là 200C, thấp nhất là 40C. Lượng mưa trung bình trong năm là 2005,4mm, độ ẩm trung bình 82%. Từ tháng 3 đến tháng 8 chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam từ biển thổi vào mát lành. Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, từ tháng 8 đến tháng 10 là mùa mưa bão, mỗi năm có 2 đến 3 trận bão sức gió cấp 8 đến cấp 10.

 2Dân cư và dân tộc

     Vùng đất Bạch Đằng xưa chỉ có một số ít cư dân của làng chài Giang Võng, Trúc Võng làm nghề đánh cá vào cư trú tại các vùng nước sâu kín gió tránh mưa bão, ngày lễ, ngày tết. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta mộ phu từ các tỉnh trong nước về khai thác than với quy mô ngày càng tăng, dân cư mới có bước phát triển. Sau ngày hoà bình lập lại dân số có gần 300 hộ với trên 1.000 khẩu, trong đó có 1/3 dân số là đồng bào dân tộc Hoa, còn lại là người Kinh. Trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội dân số tiếp tục tăng lên không ngừng. Hiện nay Phường Bạch Đằng có 2070 hộ dân với 8071 nhân khẩu được chia thành 7 khu dân cư, 80 tổ dân, giáp danh với 4 phường (Hồng Gai, Trần Hưng Đạo, Hồng Hải, Cao Thắng) và 01 tuyến biển. Trên địa bàn có 2 cơ sở tôn giáo lớn là Nhà thờ xứ đạo Hũn Gai với trên 3000 giáo dân và Chùa Long Tiên với trên 10.000 phật tử, có nhiều trung tâm vui chơi giải trí như: Cung văn hóa thanh thiếu niên Quảng Ninh, Công viên Hạ Long; là địa bàn dịch vụ - du lịch thương mại của thành phố: Chợ Hạ Long I, Trung tâm thương mại Vincom, Bưu điện tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Viễn thông Quảng Ninh... Toàn phường có 28 nhà nghỉ, khách sạn, 22 cửa hàng vàng, 15 chi nhánh ngân hàng và hàng trăm hộ dân kinh doanh buôn bán; có 127 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động ổn định thường xuyên.

 3Lịch sử Văn hóa xã hội

        Giữa thế kỷ XIX về trước vùng đất Bạch Đằng ngày nay thuộc xã Mẫu Lệ, đến thời  Pháp thuộc đổi tên là xã Hà Lầm.

        Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, để phục vụ cho việc cai trị và khai thác vùng than Hà Lầm, Hà Tu, chúng lấy Hòn Gai là thủ phủ của vùng mỏ, chúng đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng xã hội: cảng vận chuyển than, bến tàu khách, hai tuyến đường vận chuyển than từ mỏ Hà Tu, Hà Lầm về Hòn Gai, xây dựng các công sở làm việc, nhà thờ, bệnh viện, trường học, chợ buôn bán hàng hóa. Bạch Đằng - Hòn Gai trở thành một đầu mối giao thông thủy bộ, trung tâm buôn bán, giao lưu hàng hóa của vùng mỏ Hòn Gai. Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, thực dân Pháp xây dựng tại đây một bộ máy cai trị: gồm hệ thống quan lại người Pháp do viên công sứ và chánh sứ đứng đầu, bên cạnh chúng là hệ thống quan lại Nam triều do quan lại Việt Nam nắm giữ. Một loạt cơ sở hành chính giúp việc cho chúng được thành lập như: Tòa Công sứ, Tòa Tư pháp, Sở Thanh tra mật thám, Sở an ninh cảnh sát, Tòa án, lực lượng dân vệ, Bưu điện, Điện báo, Nhà quản lý giao thông công chính, Nhà Đoan  thuế... Tất cả đều nhằm mục đích vơ vét tài nguyên than và bóc lột nhân dân. Song cũng từ đây dân cư các nơi đổ về kiếm sống ngày càng đông, cùng với công nhân mỏ đến làm thuê cư trú dọc các đồi núi và hai bên đường giữa trung tâmđất Bạch Đằng là nhà ở của cai ký, quan lại, nhà buôn, những gia đình có kinh tế khá giả. Trước cách mạng Tháng 8/1945 ở Bạch Đảng có các phố Thư ký, Pa-ri, Thương mại, Phố Chợ, phố Bến Tàu, Hàng Nồi, trên các núi là các lán công nhân mỏ, dân số đã lên tới hàng nghìn người.

        Sau cách mạng Tháng 8/1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các phố trên đất Bạch Đằng đặt dưới sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của UBHC Đặc khu Hòn Gai và UBHC kháng chiến Đặc khu. Sau ngày Hòn Gai hoàn toàn giải phóng phường Bạch Đằng ngày nay thuộc khu phố Hạ Long, thị xã Hòn Gai, gồm các tiểu khu Rạp Hát, Long Tiên, Ba Đèo, Lao Động. Năm 1960 theo quyết định của UBHC khu Hồng Quảng, khu phố Hạ Long được chia làm hai khu phố, là khu phố Hạ Long và khu phố Bạch Đằng, Bạch Đằng chính thức có bộ máy quản lý hành chính tương đương cấp xã có các phố Cây Tháp, Thương mại, Bến Tàu, Nhà Thờ, Chợ cũ và Lao Động. Theo đó chị bộ Đảng khu phố, các đoàn thể quần chúng được kiện toàn. Năm 1976 Đảng bộ khu phố Bạch Đằng được thành lập. Ngày 10/8/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 63-QĐBT giải thể khu phố Bạch Đằng thành lập phường Bạch Đằng trực thuộc thị xã Hòn Gai (nay là Thành phố Hạ Long) khu vực phố Lao Động cắt về phường Trần Hưng Đạo.

        Năm 1883, thực dân Pháp xâm lược nước ta và chiếm vùng mỏ Cẩm Phả - Hòn Gai công nhân lao động và dân phố Bạch Đằng cùng với nhân dân Hòn Gai là những người dân mất nước phải bán sức lao động để mưu sinh cuộc sống, chịu áp bức bóc lột nặng nề,. Không cam chịu cuộc đời nô lệ, công nhân lao động và dân phố Bạch đằng đã nhiều lần vùng lên đấu tranh chống lại bọn chủ mỏ và thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, nhưng thắng lợi giành được chỉ là chốc lát, nhất thời vì không có đường lối chính trị đúng đắn.

        Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Với đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng đánh đuổi thực dân Pháp, xoá bỏ chế độ áp bức bóc lột, đem lại độc lập tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Công nhân lao động và dân phố Bạch Đằng đã tin tưởng vào đường lối chính trị đúng đắn đó, đi theo Đảng làm cách mạng, cùng với công nhân mỏ viết nên những trang sử vẻ vang: Cao trào chống áp bức bóc lột năm (1930-1931), đòi quyền dân sinh, dân chủ (1936-1939), giành chính quyền về tay nhân dân lao động trong cách mạng tháng 8/1945, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi quê hương đất nước.

        Trong những năm hoà bình xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ thị xã Hòn Gai, Đảng bộ thành phố Hạ Long trực tiếp là chi bộ - Đảng bộ khu phố và Đảng bộ phường Bạch Đằng. Nhân dân Bạch Đằng tiếp tục đi theo Đảng thực hiện đường lối cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới thi đua phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng lực lượng an ninh vũ trang, anh dũng tham gia chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện đồng bào miền Nam đấu tranh giành thống nhất nước nhà và thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng đạt được thắng lợi vẻ vang. Phường Bạch Đằng từ một phố nhỏ xưa kia thành một đô thị thương mại, dịch vụ du lịch của Thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, giàu có và hạnh phúc. Tổ chức cơ sở Đảng không ngừng được củng cố và phát triển, bộ máy chính quyền UBND và các tổ chức chính trị không ngừng hoàn thiện trở thành chỗ dựa tin cậy để nhân dân Bạch Đằng trên con đường tiếp tục xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, dân chủ văn minh trong thế kỷ XXI.

          Sau 10 năm hoạt động, trước yêu cầu mua bán trao đổi hàng hóa ngày càng tăng, chợ Hạ Long I đã trở lên quá tải. Năm 2002 chợ một lần nữa được xây mới thành Trung tâm Thương mại tầm cỡ quốc gia với tổng vốn đầu tư tới 38 tỷ đồng. Năm 2005 trung tâm được khánh thành đủ chỗ cho 1.200 hộ kinh doanh cố định, 300 hộ kinh doanh tạm thời, giải quyết cho 3.000 lao động có việc làm, mỗi năm thu thuế, lệ phí đóng góp cho nhà nước gần 10 tỷ đồng. Hằng năm đón hàng vạn khách trong nước và nước ngoài tham quan và mua sắm hàng hóa. Ngoài trung tâm thương mại Chợ Hạ Long I trên địa bàn còn có 78 công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, 1.845 cơ sở kinh doanh tư nhân.

        Cùng với các cơ sở sản xuất kinh doanh, trên địa bàn phường còn có nhiều cơ sở dịch vụ lớn, các cơ quan của thành phố, của tỉnh: Bưu điện tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Cung văn hóa thanh thiếu niên Quảng Ninh, ngân hàng, bến xe, bến tàu, bến cá và nhiều cơ quan, ban ngành khác đặt trụ sở làm việc trên địa bàn phường và là trung tậm vận chuyển khách thủy đi trong tỉnh và các tỉnh khác.

        Nằm trên Vịnh Hạ long kỳ quan thiên nhiên thế giới với sự kỳ vĩ của núi non đảo đá hòa quyện vào nhau soi mình trên mặt nước biển xanh yên bình đã để lại cho nhân dân Bạch Đằng những câu chuyện dân gian, những di tích lịch sử bất diệt.

        Từ xa xưa người dân Bạch Đằng đã truyền miệng nhau câu chuyện dân gian: Tại khu vực Lán Bè có muôn vàn đảo nhỏ vây quanh tạo thành một bể bơi hình tròn trong vắt đến nỗi các nàng tiên trên trời cũng phải mê. Vào những buổi trời trong nắng đẹp, các cô tiên thường bay xuống đây ngắm mình trên nước để trang điểm và tắm mát, rồi lên đảo chải tóc, hát múa. Đảo các nàng tiên vui chơi, múa hát được người đời đặt tên là đảo Cô Tiên, nơi các cô tiên tắm mát gọi là “Biển tắm tiên”. Những tên gọi ấy, câu chuyện ấy còn lưu truyền cho tới ngày nay. Trong những năm đổi mới thực hiện chương trình lấn biển mở rộng đô thị khu vực này đã không còn, thay vào đó là một cung thiếu nhi hiện đại đón các em đến học tập, vui chơi và Trung tâm quảng trường của thành phố Hạ Long.

        Núi Bài Thơ (còn có tên là núi Rọi Đèn, núi Truyền Đăng) ở phía Tây của phường là một núi đá vôi cao 200,8m, quả núi dáng đường vệ uy nghi. Dưới các triều đại phong kiến tập quyền Việt Nam đã có vọng gác canh phòng chỉ hướng cho thuyền đi biển. Năm 1469 vua Lê Thánh Tông đi thăm thú vùng Đông Bắc đã đi qua đây, thấy cảnh sơn thủy hữu tình đã làm một bài thơ khắc trên vách núi. Bài thơ như một tuyên ngôn độc lập “Quang thuận cửu niên xuân nhị nguyệt. Dư xuân xuất lục quân, duyệt binh vụ Bạch Đằng giang. Thi nhật phong cảnh lệ, hải bất dương ba. Hoàng Hải tuần an bang tru sư vô Truyền Đăng sơn hạ, ma thạch đề thi nhất luận”.

        Dịch nghĩa: Tháng hai mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468), ta thân chỉ huy sáu quân duyệt binh ở trên sông Bạch Đằng. Hôm ấy gió hòa cảnh vật đẹp, biển không nổi sóng. Ta vượt Hoàng Hải đi tuần An Bang, đóng quân ở dưới núi Truyền Đắng bèn mài đá đề một bài thơ rằng:

        Biển cả mênh mông trăm sông đổ vào

        Núi non la liệt như quân cờ, tiếp trời xanh biếc

        Có chí lớn, lúc đầu mới cảm thông vẫn phải theo người

        Nay một tay mặc sức tung hoành từ xã, uy quyền như thần gió

        Đội quân hùng mạnh xúm xít bên đức vua

        Vùng Hải Đông khói báo chiến tranh đã tắt

        Trời Nam muôn thuở núi sông vững bền

        Chính là lúc sửa sang việc văn, tạm dẹp việc võ.

        Dịch thơ:

        Trăm sông chầu xuống bể Đông

        Đảo bay ngan ngát, bể lồng trời xanh

        Chỉ hăng thoắt muốn tuần chinh

        Để giao biên chấn, ban hành lệnh công

        Quân hùng dán bọc thuyền rồng

        Khói lang bạch dấu, Hải Đông an nhàn

        Trời Nam một cọi giang san

        Hãy nên xếp võ trương văn nơi này

        Đăng chủ nước Nam đế. (1)

                                                   (Hoàng Xuân Hãn dịch).

        Từ đó núi Truyền Đăng trở thành núi đề thơ hay núi Bài Thơ. Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong phong trào cách mạng năm 1930-1931, người thành niên ưu tú của Đảng Đào Văn Tuất đã trèo lên núi cắm lá cờ đỏ búa liềm của Đảng trên đỉnh Mỏ Quạ của núi phía khu phố Bạch Đằng làm nức lòng nhân dân và công nhân lao động Hòn Gai. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, núi Bài Thơ là nơi sơ tán của hàng ngàn dân, của Trung tâm bưu điện tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nhiều cơ quan quan trọng khác xung quanh chân núi. Núi Bài Thơ trở thành biểu tượng độc nhất vô nhị của nhân dân phường Bạch Đằng và Thành phố Hạ Long.

        Chùa Long Tiên xưa kia là một miếu nhỏ ở chân núi Ba Đèo có tên là đền Cô Đông Thắng. Năm 1939 chủ mỏ người Pháp phá bỏ để mở rộng bãi chứa than, trước sự đấu tranh của nhân dân buộc chủ mỏ phải cho xây dựng tại chân núi Bài Thơ một ngôi chùa mới. Năm 1941 chùa được khánh thành, nhân dân đặt tên là chùa Long Tiên. Gọi là chùa nhưng chỉ có gian giữa là thờ Phật, bên trái thờ đức Thánh Trần, bên phải thờ Thánh Mẫu.

        Cổng Tam Quan của chùa là một kiểu kiến trúc độc đáo, trên Tam Quan là tượng Phật A-di-đà với tư thế ngồi, tay giơ lên tạo thành chữ “An ủy ấn”. Hai (1).Địa chí Quảng Ninh tập III - Tỉnh ủy, UBND tỉnh XB năm 2003 trang 252, 253.

bên Tam quan có hai câu đối:

Nhật tà tháp ánh hoàng Tây diện

Sơn thương trung thánh đáo khách thuyền

(Bóng tháp trong chùa tỏa nằm ngang điện

Chuông chùa đỉnh núi vằng nơi thuyền khách)

        Phía dưới hai cổng phụ có chữ đề “Long tắc - Linh hữu - Tắc danh”.

        Trong bái đường đặt tượng hộ pháp và đồ tể khí, còn ở chính giữa nơi cao nhất là tượng Di đà tam tôn, bậc thứ hai là tượng A di đà tọa thiền thuyết pháp trên đài sen, đứng chầu hai bên là Quan thế âm và Đại thế chí. Vị trí thứ ba là Phật quan âm Bồ tát nghìn mắt, nghìn tay, vị trí thứ tư là Ngọc Hoàng thượng đế cai quản 36 cõi trời giúp Phật hành pháp, vị trí thứ 5 là tượng Cửu long thích ca sơ sinh. Hai bên tả hữu có thập điện Diêm Vương. Đây là một tác phẩm rất đẹp mang phong cách nhà Lê.

        Hai cung tả, hữu chính điện thì cung bên trái thờ Cha (tức Thánh Trần Trần Hưng Đạo) có treo câu đối:

        Đông A nhất đại trung hưng tướng

        Nam quốc thiên thu thượng đẳng thần

        (Triều Trần một vị trung hưng tướng

        Nam Việt ngàn năm thượng đẳng thần)

        Các di tích lịch sử: Bài thơ Lê Thánh Tông, chùa Long Tiên, Lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam trên núi Bài Thơ 1/5/1930 cùng với đền thờ tướng nhà Trần Trần Quốc Nghiễn, Trung tâm Bưu điện tỉnh hợp thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật vô giá đối với nhân dân Bạch Đằng và nhân dân Thành phố Hạ Long. Cụm di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật quanh núi Bài Thơ đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

        Cùng với cụm di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ trên địa bàn phường còn có một nhà thờ Thiên Chúa giáo xây dựng trên đỉnh núi cao Ba Đèo, nhân dân gọi là núi Đạo. Nhà thờ được xây dừng từ năm 1920, năm 1967 bị bom Mỹ tàn phá nặng nề, nay được xây dựng lại to đẹp hơn xưa. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của 4.000 giáo dân trên địa bàn Thành phố Hạ Long. Đương nhiên cùng với cụm di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ, các cơ sở tâm linh phật giáo, đạo giáo với sự quần tụ của dân cư các tỉnh phía Bắc về lập nghiệp khai thác những tiềm năng kinh tế trên đất Bạch Đằng đã đem về đây sắc thái văn hóa của vùng dân ca, ca dao Bắc Bộ hòa vào bản sắc văn hóa dân ca, ca dao của công nhân mỏ, của người dân làng chài Giang Võng, Trúc Võng, làm lên ở Bạch Đằng một nền văn hóa đa dạng, phong phú với nhiều thể loại đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo nên trong mỗi người dân Bạch Đằng có đời sống tâm linh trong sáng, yêu thương con người, yêu tha thiết cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đoàn kết gắn bó bên nhau đấu tranh với thiên nhiên, xã hội và đấu tranh với chính mình để tồn tại và phát triển. Đó chính là cái móng, cái nền để tạo lòng yêu quê hương đất nước, cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo trong mưu sinh cuộc sống, làm giàu cho gia đình, quê hương đất nước, yêu chính nghĩa, ghét cái ác, sẵn sàng đi theo các tướng lĩnh tài ba đức độ, các anh hùng dân tộc và Đảng cách mạng đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù xâm lược giành lấy độc lập tự do cho quê hương đất nước.

        Truyền thống văn hoá được tích tụ lại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Bạch đằng đã góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược của thế kỷ XX là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giải phóng quê hương đem lại độc lập, tự do cho đất nước, xóa bỏ cuộc đời nô lệ, đói khổ lầm than trở thành người chủ của quê hương, đất nước. Ra sức phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững trật tự an ninh. Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đóng góp ngày càng nhiều sức người, sức của cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

        Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, ngày nay nhân dân Bạch Đằng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ đang đem hết tài năng, trí lực thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng phường Bạch Đằng thành một đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vững bước đi theo con đường XHCN mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 594