Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2024 sẽ mang nhiều nét mới

Từ năm 2008, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức vào dịp 30/4 dương lịch hàng năm, nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần Du lịch Hạ Long. Năm 2024, với mong muốn gìn giữ văn hóa tín ngưỡng và đặc biệt là để Lễ hội thật sự trở thành sản phẩm du lịch, kết hợp với việc quảng bá mạnh mẽ các Lễ hội khác trên địa bàn, thành phố sẽ phục dựng lại theo quy mô lớn hơn, với nhiều nội dung hấp dẫn, tạo sản phẩm đặc sắc của Hạ Long, thu hút đông đảo người dân và du khách.

Nghi thức rước bài vị Đức Ông vi hành trên đường phố tại Lễ hội Đền Đức Ông năm 2023

Đức Ông Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu đích tôn của An Sinh Vương Trần Liễu và là cháu ruột của vua Trần Thái Tông. Ông vốn là một vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn và là người con tận hiếu, bề tôi tận trung của triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba của dân tộc, ông đã cùng vua cha Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh lập nhiều chiến công lớn, được  phong tước là “Khai Quốc công”.  

Để ghi nhớ công ơn Trần Quốc Nghiễn, các chủ thuyền đi qua núi Bài Thơ đã cùng nhau lập đền thờ ông. Đền được xây dựng từ lâu đời, trải qua bao biến động của lịch sử và thời gian, đền đã xuống cấp và nhiều lần được trùng tu. Lần trùng tu mới nhất là năm 2002 mang đến cho ngôi đền một diện mạo khang trang như ngày nay. Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn nằm trong Cụm Di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng núi Bài Thơ, đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá quốc gia. Không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người địa phương, đền Đức Ông còn là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách.

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức vào ngày 23/4 âm lịch hàng năm (ngày mất của ông). Tuy nhiên, kể từ năm 2008, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29-30/4 dương lịch gắn với Tuần lễ Du lịch Hạ Long hằng năm. Đây là dịp để người dân có thể ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi lên lòng tự hào và truyền thống yêu nước của thế hệ cha ông thông qua các hình ảnh được tái hiện như: Rước bài vị Đức Ông Trần Quốc Nghiễn với các tướng lĩnh hộ giá vi hành qua các con phố, lễ rước đuốc thiêng, lễ thả hoa đăng...

Thường trực Thành ủy thông qua kế hoạch lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2024

Năm 2024, với mong muốn gìn giữ văn hóa tín ngưỡng và đặc biệt là để Lễ hội thật sự trở thành sản phẩm du lịch, kết hợp với việc quảng bá rộng rãi các Lễ hội khác trên địa bàn, thành phố sẽ phục dựng lại theo quy mô lớn hơn, với nhiều nội dung hấp dẫn. Ngoài phần lễ theo nghi thức truyền thống với các nội dung như: Nghi lễ khoa kinh Phật, khoa cúng Trần triều, khoa cúng mẫu, lễ mục dục, lễ bạch văn khai hội, lễ rước đuốc thiêng, lễ rước Đức Ông vi hành, lễ phóng sinh, lễ tọa đăng. Lễ hội sẽ có những nét mới như: Lễ hội được tổ chức đúng vào ngày giỗ của Đức Ông, địa điểm trước khu đền cũ (bãi gửi xe trước Đền); mời thêm đội Tế của thành phố Cẩm Phả; phần lễ rước bài vị Đức Ông vi hành sẽ được thực hiện trang trọng, tích hợp các hoạt động trên bờ và dưới biển; các khối rước sẽ giao cho các phường, xã, tổ chức hội, quân đội, mỗi đơn vị, địa phương thành lập 1 đoàn …

Trong phần hội, nhân dân và du khách được thả hoa đăng trên biển cầu mong mưa thuận gió hoà và thưởng thức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, xem hoạt cảnh diễn tích lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Ông Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn cùng các trò chơi dân gian như: múa lân sư rồng, thi đấu cờ người. Đặc biệt, để thu hút đông đảo người xem, năm 2024, Hạ Long sẽ đứng ra chủ trì liên hoan các đội rồng lân, mời các đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia thi đấu.

Cùng với đó, dịp này thành phố sẽ tổ chức Lễ khởi công tôn tạo di tích núi Bài Thơ.

Hy vọng rằng, từ năm 2024, Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Hạ Long, thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích lịch sử danh thắng núi Bài Thơ - chùa Long Tiên - đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Từ đó, nâng cao trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, đóng góp công sức trong việc tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử của TP Hạ Long. Từng bước xây dựng Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn thành di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 67