Thêm màu xanh cho rừng ngập mặn ở Đầm Hà

Cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt phần diện tích rừng ngập mặn (RNM) tự nhiên trên địa bàn, huyện Đầm Hà đang tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án trồng mới, trồng phục hồi, làm giàu những cánh RNM ven biển. Bởi RNM đang là “bức tường xanh”, ngăn nước biển dâng, hạn chế triều cường xâm thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ làng mạc, người dân các xã ven biển, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ dân ở Đầm Hà.

Chung tay bảo vệ, làm giàu rừng ngập mặn

Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà.

Một buổi chiều cuối tháng 11, khi nước cạn, ông Nguyễn Văn Trầm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) dẫn phóng viên đi dọc tuyến đê chạy qua nhiều xã ven biển của huyện Đầm Hà, như: Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình. Vừa đi, ông vừa chỉ cho chúng tôi những cánh RNM xanh ngút tầm mắt.

Ông Trầm cho biết: Hệ thống RNM như những “bức tường xanh” bảo vệ làng mạc, người dân các xã ven biển của huyện Đầm Hà từ bao đời nay. Không những vậy, nó còn đã và đang tạo "kế sinh nhai" cho gia đình tôi và người dân nơi đây. Hằng ngày, có hàng trăm người dưới tán rừng đào sá sùng, bắt cua, ốc… Tuy nhiên, vào thời điểm trước những năm 2000, vẫn còn tình trạng người dân chặt cây RNM về làm củi đun, cộng với tình trạng cây già cỗi, sâu bệnh… khiến cho nhiều diện tích RNM cứ thế lụi dần, ngày một thưa đi, diện tích rừng theo đó mà cứ thu hẹp dần.

Hàng chục ha rừng ngập mặn đang được phục hồi, làm giàu rừng tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà.

Sau mỗi cơn bão, mỗi đợt triều cường sóng to, gió lớn, bờ đê sạt lở, đồng ruộng, ao đầm phía trong đê bị xâm mặn, nguồn lợi thủy sản khu vực bãi triều ngày một ít đi… người dân trong thôn và các khu vực lân cận đã nhận ra những lợi ích to lớn của RNM trong việc “bảo vệ” và “nuôi dưỡng” con người, nên đã cùng bảo nhau giữ rừng.

Đặc biệt, từ khi các chương trình, dự án trồng mới, phục hồi và làm giàu RNM do tỉnh và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, người dân ở đây không chỉ đăng ký trồng rừng để lấy tiền công, mà còn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở nhau bảo vệ thật tốt từng gốc cây rừng tự nhiên, đồng thời chăm sóc kỹ lưỡng mỗi cây mới trồng. Theo năm tháng, những cánh RNM nơi đây dần xanh tốt, hàng chục ha rừng đã được trồng bổ sung ở những vị trí còn trống trong vạt RNM tự nhiên rộng lớn.

RNM ở Đầm Hà được bảo vệ tốt đang là "bức tường xanh" bảo vệ an toàn cho các tuyến đê và đồng ruộng, ao đầm nuôi trồng thủy sản.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, Tổ trưởng nhóm cộng đồng tham gia trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ RNM thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình (huyện Đầm Hà), cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của RNM đối với việc bảo vệ cuộc sống, chống biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao thu nhập, người dân trong thôn luôn tuyên truyền, nhắc nhở nhau phải luôn bảo vệ thật tốt những cánh RNM tại địa phương. Đặc biệt, từ năm 2021, khi dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Ninh được triển khai tại địa phương, tôi được UBND xã giao làm tổ trưởng của nhóm cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ RNM của thôn với 40 thành viên. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, nhóm chúng tôi đã trồng được hơn 76ha RNM.

RNM cũng góp phần nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ dân các xã ven biển của huyện Đầm Hà từ nghề khai thác thủy hải sản dưới tán rừng.

Ông Phạm Văn Nghị, cán bộ địa chính, nông, lâm nghiệp xã Đại Bình, cho biết: Trong những năm qua, hàng chục ha rừng được trồng bổ sung trong những cánh RNM tự nhiên của xã. Hiện nay, toàn xã có hơn 918ha RNM. Những cánh RNM không chỉ bảo vệ an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn mà còn bảo vệ hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phía trong đê, góp phần tạo thu nhập cho người dân từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản.

Hàng chục năm gắn bó với nghề khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán RNM trên địa bàn các xã ven biển huyện Đầm Hà, bà Phạm Thị Hà, thôn Bình Nguyên, xã Tân Bình (huyện Đầm Hà) hiểu hơn ai hết những lợi ích to lớn của RNM trong việc bảo vệ sản xuất, tạo thu nhập cho người dân, phòng chống dịch bệnh đối với các vùng nuôi trồng thủy sản.

Bà Phạm Thị Hà chia sẻ: Những cánh rừng mắm, sú, vẹt gắn bó với đời sống bà con từ bao đời nay, rừng không chỉ giúp bảo vệ người dân khỏi những cơn sóng dữ, mà còn tạo môi trường trong lành, là nơi trú ngụ của các loài thủy sản tôm, cua, cá, ốc, giúp gia đình tôi và người dân địa phương có thêm thu nhập từ việc khai thác thủy sản dưới tán rừng để trang trải cuộc sống, vì thế người dân nơi đây luôn ý thức giữ rừng chính là giữ cuộc sống của chính mình.

Phát triển rừng bền vững

Từ năm 2021 đến nay đã có hơn 200 ha RNM trên địa bàn huyện Đầm Hà được trồng mới.

RNM trên địa bàn huyện Đầm Hà khá đa dạng với các loại cây, như: Mắm, sú, vẹt, trang, bần. Những cánh RNM có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ hệ thống đê biển, ngăn chặn gió bão, điều hòa khí hậu trong vùng, hạn chế xói lở, cũng như che chở cho làng mạc, người dân ven biển. RNM cũng là “ngôi nhà sinh thái” cho nhiều loài thủy hải sản trú ngụ, tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, góp phần duy trì bền vững năng suất đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đối với người dân ven biển của địa phương.

Hiện nay, huyện Đầm Hà có 2.523ha RNM thuộc địa bàn các xã Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà, Tân Bình. Trong đó: Diện tích đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Hà quản lý 1.782,9ha, diện tích do UBND các xã đang quản lý là 497,8ha và diện tích giao cho chủ rừng là doanh nghiệp với 239,6ha.

Nhóm cộng đồng tham gia trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ RNM thôn Nhâm Cao, xã Đại Bình (Đầm Hà) trồng mới RNM năm 2022.

Với tầm quan trọng của hệ sinh thái RNM, những năm qua, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã ven biển tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển RNM. Ông Phạm Văn Thuật, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đầm Hà, cho biết: Ban Quản lý rừng phòng hộ và lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã ven biển, thường xuyên kiểm tra, bảo vệ diện tích RNM trên địa bàn, nên nhiều năm liền không có hiện tượng chặt phá, xâm lấn những cánh RNM.

Trong gần 20 năm qua, chương trình trồng RNM bằng nguồn vốn của Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện với diện tích gần 200ha trên địa bàn các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Tân Lập. Cùng với đó, hằng năm huyện Đầm Hà đều tổ chức các đợt ra quân trồng RNM hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, nhờ vậy đã trồng mới thêm gần 10ha RNM tại các xã ven biển.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đầm Hà kiểm tra, nghiệm thu RNM trồng mới tại xã Đại Bình.

Cùng với đó, huyện Đầm Hà chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã ven biển tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về tác dụng của RNM, vận động người dân hưởng ứng tham gia trồng, bảo vệ RNM. Việc trồng bổ sung, phục hồi rừng, bảo vệ, phát triển RNM trên địa bàn huyện Đầm Hà đã góp phần ổn định cấu trúc, ổn định hệ sinh thái rừng, tăng khả năng chống chịu của rừng trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển của địa phương.

Ông Trần Văn Huấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 8.600ha đất bãi triều, mặt nước biển, trong đó có hơn 5.600ha đất bãi triều, mặt nước khu vực ven biển quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản, gồm nuôi cá biển, nuôi nhuyễn thể, nuôi tôm... Việc bảo vệ, phát triển RNM đã và đang là một giải pháp quan trọng để phát triển bền vững khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

Thực hiện đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” (Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), từ năm 2021 đến nay, hàng chục ha RNM đã được trồng mới, trồng bổ sung tại khu vực ven biển các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Tân Lập. Tổng diện tích trồng rừng, làm giàu rừng thuộc dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) từ năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện là 200,78ha; trong đó trồng mới 16,39ha, làm giàu rừng 184,39ha.

Đặc biệt, hiện nay huyện Đầm Hà đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững, trong đó có bảo vệ, phục hồi và phát triển RNM đang là giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6128