Vĩnh biệt một nhân cách lớn, trọn đời vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến của chúng ta đã lên đường đi theo Bác Hồ, về với tổ tiên, nhưng công lao, đóng góp to lớn đặc biệt xuất sắc của đồng chí; hình ảnh một con người giản dị, một nhân cách lớn của nhà lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, liêm khiết, mẫu mực, mãi mãi in đậm tâm trí người dân Việt Nam và sự kính trọng, mến mộ của bạn bè quốc tế.
Mấy ngày nay, trong cuộc sống thường ngày, trên báo chí, các trang mạng xã hội, tràn ngập những lời nói, câu chuyện, dòng tâm trạng sâu nặng nghĩa tình của đồng bào ta ở mọi miền Tổ quốc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người bày tỏ nỗi buồn như sự mất đi chính người thân trong gia đình.
Từ bên kia bán cầu, ngay khi biết tin, trong phiên họp thường kỳ, Quốc hội Cuba đã dành một phút mặc niệm đồng chí Tổng Bí thư Ðảng ta; nước bạn tuyên bố tổ chức Lễ Quốc tang với nhiều hoạt động ý nghĩa. Nhiều nước, nhiều nguyên thủ quốc gia như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba, Nga, Mỹ,… đã gửi điện, thư, thông điệp chia buồn trước khi chúng ta công bố tổ chức Quốc tang. Thật là một tình cảm đặc biệt dành cho nhà lãnh đạo cao nhất của Ðảng ta.
Người cán bộ mẫu mực, tận tụy
Khi bước vào tuổi tám mươi, ai cũng muốn nghỉ ngơi, vui vầy bên gia đình, nhưng Tổng Bí thư vẫn tận tụy, miệt mài việc chung cho đến hơi thở cuối cùng. Chỉ nghĩ đến công việc, chỉ lo cho dân, cho Ðảng, không màng danh lợi hay bất cứ điều gì cho riêng mình, nhưng lại rất quan tâm, gần gũi đồng nghiệp, cán bộ cấp dưới là điều dễ thấy ở con người ông.
Mỗi chuyến được tháp tùng Tổng Bí thư đi khảo sát thực tế tại các địa phương, hay dự, chỉ đạo hội nghị, nhóm phóng viên chuyên trách chúng tôi bao giờ cũng “thu hoạch” từ đồng chí nhiều điều bổ ích cho cuộc sống, công tác, nhất là cách tư duy, nhìn nhận một vấn đề. Ðó là phong cách làm việc bài bản, cẩn trọng và hết sức mẫu mực. Hiệu quả công việc bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.
Có lần, vừa kết thúc phát biểu tại hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Thành ủy Hà Nội, lúc đó hơn 9 giờ, đồng chí vội ra xe đi Nghệ An để kịp dự một sự kiện quan trọng khác. Mỗi thành viên trong đoàn, kể cả Tổng Bí thư đều có một hộp cơm ăn trưa và chai nước lọc để dùng trên đường đi. Xong sự kiện đó, đoàn lại về Hà Nội ngay, cũng mỗi người một hộp cơm và chai nước lọc.
Một dịp khác, đi khảo sát ở Tây Nguyên, làm việc xong tại tỉnh Lâm Ðồng, đoàn đi tỉnh Ðắk Nông và dừng chân tại một cơ quan cấp huyện dọc đường để ăn cơm mang theo, không ai được báo cho lãnh đạo tỉnh đó biết. Chuyến đi nào cũng vậy, chúng tôi cảm thấy, Tổng Bí thư luôn sốt sắng muốn được đến với dân nhanh hơn, sớm hơn, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nơi còn nhiều khó khăn.
Chuyến đi nào cũng vậy, chúng tôi cảm thấy, Tổng Bí thư luôn sốt sắng muốn được đến với dân nhanh hơn, sớm hơn, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nơi còn nhiều khó khăn.
|
Khi chủ trì các hội nghị, làm việc tại địa phương, hay cơ quan Trung ương, nhìn Tổng Bí thư, ai cũng thấy ở đồng chí toát lên một con người rất bình dị, điềm tĩnh, nhưng quyết liệt, sâu sắc. Trao đổi với cán bộ địa phương, bao giờ đồng chí cũng gợi mở, tạo không khí dân chủ thoải mái nhất, ưu tiên cho cơ sở, huyện, tỉnh phát biểu trước, không khống chế thời gian, để họ nói hết những điều cần nói với đoàn công tác. Cán bộ Trung ương đi cùng đoàn, ai phát biểu dài, Tổng Bí thư yêu cầu nói ngắn gọn, không chung chung mà phải đưa ra được giải pháp gì giúp ích cho địa phương.
Có tư duy rõ ràng, mạch lạc của nhà nghiên cứu khoa học, phát biểu của Tổng Bí thư về vấn đề nào rõ vấn đề đó. Cách nói với bà con, với đồng bào các dân tộc thì mộc mạc gần gũi, nhưng với cán bộ chủ chốt ở tỉnh lại khác, phù hợp từng đối tượng, từng cuộc làm việc, dễ nghe, dễ hiểu.
Ðặc biệt là khi đề cập về những vấn đề lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, đổi mới phương thức lãnh đạo, hay xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Tổng Bí thư ít khi dùng văn bản mà nói một cách tự nhiên, cuốn hút như đang trải lòng với những điều tâm đắc nhất, từ trong máu thịt mình, đã nung nấu từ trước đến nay. Không chỉ dễ nắm bắt vấn đề mà người nghe còn được truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ bởi trí tuệ, lòng nhiệt huyết và sự chân thành của người nói.
Khi chủ trì, chỉ đạo các hội nghị, cuộc họp về phòng chống tham nhũng, tiêu cực với những nội dung phức tạp, nhạy cảm, Tổng Bí thư thường dành nhiều thời gian cho thảo luận thấu đáo các vấn đề, nhất là khi còn ý kiến khác nhau, sau đó mới kết luận, phân tích rõ từng việc, trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị; không bao giờ quên nhắc nhở, cảnh tỉnh những lực lượng làm công tác này.
“Phải liêm khiết, phải mẫu mực, phải có dũng khí, anh nào vướng vào tham nhũng, sẽ xử lý trước, xử lý nghiêm”; “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, ai người ta chịu - Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh như thế.
Thương tiếc khôn nguôi! Tổng Bí thư đã ra đi trong bộn bề công việc. Nhưng chắc chắn rằng, tác phong làm việc khoa học, lối sống liêm khiết, mẫu mực của một nhân cách lớn như thế, mãi mãi là lời nhắn nhủ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta noi gương.
Người con thân thiết, kính trọng của nhân dân
Trong lịch công tác của Tổng Bí thư khi về các địa phương, điểm đến đầu tiên thường là một xã xa trung tâm, hay vùng sâu, vùng xa, c.òn nhiều khó khăn thiếu thốn. Những cuộc gặp gỡ thân tình, ấm áp với nhân dân, có khi chỉ mươi phút đồng hồ, nhưng để lại bao tình cảm sâu đậm trong lòng mọi người. Những hình ảnh ấn tượng sâu sắc đó là khi Tổng Bí thư về thăm, làm việc tại một số xã ở nhiều vùng đất nước, được bà con vây quanh với những khuôn mặt rạng ngời, phấn chấn như đón người thân yêu nhất đi xa về.
Chúng tôi nhớ mãi chuyến lên huyện Mường Lát xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, đúng Tết Ðộc lập (2/9/2011). Sau hành trình hơn 8 giờ mới có buổi làm việc đầu tiên, bố trí tại nhà ông Vàng A Páo, bản Khằm I, xã Trung Lý. Ngôi nhà rộng chừng 70 m2 nhưng không còn chỗ trống, bà con đứng tràn cả ra sân, ra vườn.
Ai cũng muốn đến thật gần, muốn được nắm tay Tổng Bí thư. “Ôi, bác Trọng phúc hậu lắm bà con ạ. Ðúng là hồng phúc cho Ðảng, cho dân mình!”. Nhiều người đã thốt lên như vậy; và câu nói ấy chúng tôi còn được nghe nhiều lần khi Tổng Bí thư đến thăm đồng bào ta ở một số địa phương khác.
Khi đó, bản Khằm I có 60 hộ dân thì 55 hộ nghèo vì điều kiện tự nhiên quá khó khăn. Kết thúc buổi làm việc, Tổng Bí thư đến thăm, tặng quà một số hộ ở bản, trong đó có gia đình chị Thào Thị Ly. Chồng mất, chị một mình nuôi ba con nhỏ. Trong ngôi nhà đơn sơ khoảng 15 m2, ngoài cái giường tuềnh toàng và vài túm ngô treo trên gác bếp, không còn thứ gì đáng kể.
Trò chuyện với chủ nhà, giọng Tổng Bí thư chùng hẳn xuống. Trong buổi làm việc tại địa phương, đồng chí rất trăn trở về những gia đình hoàn cảnh như thế. Tại sao nước nhà giành độc lập 66 năm rồi, vẫn còn nhiều người dân đói khổ, đó là lỗi của chúng ta, chúng ta phải làm gì, làm ngay và phải làm bằng được để cho dân đỡ khổ.
Những điều trăn trở tương tự như thế, Tổng Bí thư còn bộc bạch nhiều lần khi thăm, làm việc tại một số xã đặc biệt khó khăn nơi vùng cao Tây Bắc, miền trung, Tây Nguyên, hay Tây Nam Bộ; và nhắc lại lời của Bác Hồ, đại ý, nước nhà độc lập rồi mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Rất vui, sau này, qua nhiều kênh thông tin, chúng tôi được biết, những nơi ấy cuộc sống đã khá lên nhiều, đồng bào đã biết sản xuất hàng hóa, có của ăn của để, việc đi lại, việc khám chữa bệnh, việc học hành của các cháu không còn khó khăn như trước.
Là người lãnh đạo cao nhất của Ðảng, nhưng khi đến với dân, ai cũng cảm nhận được tình cảm của Tổng Bí thư như về với chính ngôi nhà mình. Chúng tôi nhớ lần vào Tiền Giang tìm hiểu việc tổ chức thực hiện nghị quyết về xây dựng nông thôn mới.
Kết thúc chương trình làm việc, chiều đã muộn, bất ngờ đồng chí ghé thăm một gia đình, cùng ngồi ăn thanh long vừa được chủ nhà hái ngoài vườn, nói chuyện thân tình về kinh nghiệm trồng cây ăn quả, việc tiêu thụ có gì khó không? Tổng Bí thư còn ra tận vườn xem các gốc thanh long, đi lại mấy vòng như một người con xa quê trở về, nhớ mảnh vườn thân yêu gắn bó với tuổi thơ xưa kia.
Cũng chuyến công tác đó tại An Giang, khi đến thăm một gia đình Hòa Hảo, trời bỗng mưa như trút nước; mọi người ào ào chạy vào. Ðến trước bậu cửa, đồng chí cúi xuống tháo dép và nhẹ nhàng bước vào, chào chủ nhà đang đợi. Tổng Bí thư là một con người như vậy. Thật đáng kính và trân trọng, một cử chỉ nhỏ thôi, nhưng mọi người không bao giờ quên và luôn lấy đó để tự nhắc mình.
Gần ba nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng toàn Ðảng lãnh đạo xây dựng đất nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng. Theo suốt dặm dài đất nước, nơi sinh sống của 54 cộng đồng dân tộc anh em, kể cả nơi đồng chí đã đặt chân đến, hay chưa có dịp được đi qua, thì hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Ðảng ta vẫn luôn in đậm trong tâm khảm mỗi người. Xin cầu mong Tổng Bí thư hãy yên nghỉ, cùng Bác Hồ muôn vàn kính yêu và các vị tiền bối cách mạng tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho dân tộc ta trên những chặng đường tới.
Tin tức khác
- Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2024): Viết tiếp truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm"
- Ra mắt chương trình nghệ thuật Vietcharm show - Việt Nam gấm hoa
- Thẻ căn cước tích hợp ADN thế nào?
- Tạo điểm nhấn từ dịch vụ, tour du lịch đêm
- Giải bài toán môi trường sau bão trên Vịnh Hạ Long